REVIEW SONY FE 16–35 mm F2.8 GM II
LỜI GIỚI THIỆU
Trong bài review này mình sẽ chia sẻ với các bạn những trải nghiệm thực tế khi ứng dụng lens để chụp ảnh như thường lệ, qua những chuyến đi vừa qua của mình. Những khả năng của lens được thách thức khi chụp ra những bức ảnh ở nhiều điều kiện thời tiết và địa hình khác nhau. Nên việc đánh giá lens để đạt được những bức ảnh là mục đích cuối cùng sẽ khác với test lens trong phòng lab như đo đạc hay chụp biểu đồ.
SONY FE 16-35mm F2.8 GM II ( SEL1635GM2) là ống kính zoom Full Frame đời 2 mới nhất với nhiều cải tiến, đặc biệt là sự nhỏ gọn đáng kể so với phiên bản GM đời đầu, và công nghệ phủ Nano thế hệ 2 làm giảm thiểu tối đa sự lóe sáng (flare) giúp tạo ra sunstar sạch và đẹp. Sự nhỏ gọn và nhẹ đã thật sự giúp mình cảm thấy thoải mái hơn khi thao tác và di chuyển trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như ở Lofoten Nauy và Hokkaido Nhật bản, dưới trời lạnh đến -15℃ và gió mạnh đến 40 km/giờ.
GM được thiết kế và sản xuất với độ nét siêu cao, đủ đáp ứng cho cả những máy ảnh trong tương lai với cảm biến trên 100 MP. Nên đây là dòng lens sẽ đồng hành với bạn trong thời gian dài. Sony đã phải đầu tư phát minh và tạo ra các thiết bị và quy trình sản xuất mới với độ chính xác đi trước thời đại so với trên thị trường.
Lens có khẩu lớn nhất f2.8 nên thích hợp để chụp cả đời thường hay sự kiện trong nhà (hay ở nơi có điều kiện ánh sáng yếu). Khẩu f2.8 với tiêu cự 16mm cho phép bạn chụp milkyway và startrail đủ độ phơi sáng với tốc độ 30s và chỉ với ISO 4000. Lens 16-35mm chủ động về sự đa năng (biển, ao hồ, đời thường, sự kiện, sao đêm) và tiện lợi. Lens này dành cho các bạn muốn chất lượng quang học cao bậc nhất trong thị trường, và tất nhiên nó cũng có giá xứng tầm.
LƯU Ý: KHÔNG XỬ LÝ
Toàn bộ các ảnh trong bài tuy được chụp bằng file RAW trên máy a7c II và qua xử lý giải mã RAW và xử lý mỹ thuật dùng sáng tối, tương phản và màu sác, nhưng những điều sau không có xử lý:
-
Độ méo – Distortion
-
Độ tối góc – Vignetting
-
Độ nét – Sharpness: có áp dụng sharpening căn bản theo độ phân giải trong LR/CameraRaw cho Raw như sau: Amount=70, radius = 0.8, detail=70, masking = 0
-
Flare: Chưa gặp nắng gắt để có flare
-
Viền tím viền xanh – CA: không có CA nào
NHỮNG TIÊU CHÍ QUAN TRỌNG KHI CHỌN ỐNG KÍNH
Sau đây là những tiêu chí mình quan tâm sắp xếp theo thứ tự khó đạt nhất và quan trọng nhất:
-
Sunstar và Flare: Các ống kính có sunstar đẹp rất hiếm, nhất là sunstar không bị lỗi flare nằm trong vùng sunstar phạm vào cánh và làm hư hình dáng của sunstar. Ống kính càng rộng càng dễ bị flare và đây là yếu tố quan trọng để giúp có sunstar sạch đẹp hoàn hảo.
-
Distortion – Độ méo: Các ống kính zoom rộng gần như lúc nào cũng có độ méo, càng ít méo thì ảnh nhìn càng tự nhiên hơn.
-
Sharpness – Độ nét: Độ nét khó của một ống kính là nét ra đến khu vực cạnh và góc và đáp ứng được cho độ phân giải cao trên 100MP trong tương lai.
-
Vignetting – Độ tối góc: Hiện tượng vùng 4 góc của ảnh tối hơn vùng trung tâm
SUNSTAR SẠCH ĐẸP VÀ RẤT ÍT FLARE
Trong tất cả các tính chất của ống kính thì sunstar (tia xẹt) là yếu tố khó đạt được nhất do nhiều lý do.
Chất lượng của sunstar đẹp bao gồm số tia, hình dáng tia, flare nằm trong hình dạng của sunstar và khẩu F để tạo ra sunstar. Số tia của sunstar về căn bản là do số lá khẩu tạo thành như số lá khẩu chẵn tạo ra số tia bằng số lá khẩu và số lá khẩu lẻ tạo ra số tia gấp đôi. Tuy nhiên số cánh của sunstar cũng có thể được gia tăng ở một số thiết kế lens siêu rộng.
Sunstar đẹp đầu tiên là do lá khẩu và thiết kế. Sony 16-35 f2.8 GM II như GM phiên bản trước giữ nguyên 11 khẩu cho ra 22 tia sunstar dài bén nhọn rất đẹp. Sunstar 22 cánh rất hữu dụng khi chụp sunstar như mặt trời cấn qua núi hay một vật thể, lúc đó chỉ còn hiện số cánh ít hơn ví dụ như phân nữa 11 cánh khi cấn qua núi.
Kế đến là công nghệ phủ nano có chức năng chống phản chiếu trên bề mặt của các thấu kính trong lens để diệt trừ flare. Công nghệ phủ nano thế hệ II của Sony đâu tiên được ứng dụng trên Sony 12-24 f2.8 GM vào năm 2020 đã cho ra sunstar đẹp xuất sắc và gần như không còn flare trong suốt quá trình mình test. Lens Sony 16-35 GM II này là lens tiếp theo trong dòng GMII thừa hưởng công nghệ này, và kết quả ban đầu cho thấy sunstar dài đẹp và khá sạch.
Lưu ý: Để hạn chế bị flare đốm trong vùng của sunstar thì bạn không nên dùng filter khi chụp thể loại này, và hoặc phải xử lý flare đốm ở khâu hậu kỳ.
Khi nói đến những lens có sunstar đẹp thì trên thị trường thì không có nhiều. Riêng Sony có được 7 lens.
-
Sony 12-24 f2.8 GM: đẹp xuất sắc
-
Sony 12-24 f4 G: đẹp khá vì không sắc bén
-
16-35 f2.8 GM II (đang review): đẹp xuất sắc chỉ sau lens 12-24 GM vì còn 2 đốm flare
-
16-35 f2.8 GM (đời 1): đẹp khá vì có flare trong sunstar
-
16-35 f4: đẹp khá vì quá dài không còn là 1 ngôi sao
-
24-70 GM (đời 1): đẹp khá vì có flare trong sunstar
-
24-70 GM II (đời 2): đẹp khá vì có flare trong sunstar
DISTORTION-ĐỘ MÉO
Distortion (độ méo) là hiện tượng những chi tiết ngoài thực tế thẳng nhưng qua lens thì bị thể hiện cong vào, cong ra hay cong với hình học đa dạng. Khác với distortion độ nghiêng của những đường thẳng hội tụ về một hướng là hiện tượng phối cảnh (perspective) thường thấy ở tiêu cự rộng, đây không phải là distortion, vì những đường _x001D_thẳng vẫn thẳng, chỉ là nó đổ (hội tụ) vào một điểm ở vô cực.
Lens zoom có độ phức tạp quang học hơn lens fix rất nhiều, nên lens zoom phải đối đầu với nhiều chọn lựa ưu tiên và giới hạn trong thiết kế. Dải tiêu cự 16-35mm chủ yếu dành cho phong cảnh biển (và ao hồ), nên distortion là một yếu tố quan trọng để thể hiện đường chân trời thẳng từ trái sang phải.
Có 3 loại distortion căn bản, loại cong vào như hình cái thùng (Barrel), đối nghịch với thùng là loại cong ra (Pincushion), và loại cuối cùng là loại có hình dáng gợn sóng phức tạp như hình râu mép (mustache). Với distortion, thì bạn muốn tránh loại thứ 3 vì nó rất khó chỉnh để ngay lại, loại Barrel và Pincushion là loại dễ chỉnh ngay nhất. Sau khi chỉnh distortion phần bị kéo dãn ra trong ảnh làm giảm mật độ, tức là giảm độ phân giải của vùng đó, làm ảnh mờ kém nét đi. Mức độ nhiều hay ít tùy thuộc vào mức độ kéo dãn do việc chỉnh distortion.
DISTORTION CỦA SONY GM II TỐT HƠN GM (I)
Khi chụp ảnh thực tế ở nhiều tiêu cự khác nhau, mình thấy distortion của lens Sony 16-35 f2.8 GM II tốt hơn GM đời trước một chút. Lens có distortion ở mức trung bình và nhiều nhất ở 16mm, các tiêu cự từ 20mm đến 35mm có rất ít distortion nên khi chụp ảnh phong cảnh thực tế mình không thấy hiện tượng này.
Lens zoom thường không có nhiều distortion ở khúc giữa như ở 2 đầu, hoặc ở đầu tiêu cự rộng nhất, nên thường không phải là mối quan tâm trong các bài test. Distortion trong dải giữa này thường là ít hơn 1.5% và nhiều khi ít hơn 1% nên không hiện rõ và ảnh hưởng lắm ở nhiếp ảnh thực tế. Trong bài review này mình không cần xử lý distortion cho ảnh nào vì không cần thiết, do phần lớn đường chân trời bị che bởi núi hay đá ở hậu cảnh.
Bên dưới là ảnh chụp test có đường chân trời trước và sau khi chỉnh distortion. Trong thực tế distortion ở mức trung bình nếu cần chỉnh thì chi cần nhấn 1 click trên Lightroom hay Photoshop Camera la các distortion đươc chỉnh thẵng ngay. Tuy như thế các ảnh trong bài này và nhiều ảnh khác không cần chỉnh.
SHARPNESS- ĐỘ NÉT
Độ nét của dòng GM đã được đặt mục tiêu ban đầu là thiết kế cho cảm biến với độ phân giải cao hơn 100MP. Hiện tại máy Sony chỉ có cảm biến cao nhất là 61MP, và với sự tiến bộ công nghệ càng ngày càng chính xác hơn, tốt hơn thì dòng GM II mới này càng khẳng định độ nét đủ cho cả nhiều thế hệ máy ảnh mới trong tương lai.
Trong lens Sony 16-35 f2.8 GM II, Sony đã ứng dụng 3 thấu kính đặc biệt, thấu kính XA (extreme asperical). Khác với thấu kính truyền thống aspherical có đường cung với bán kính cố định, thấu kính aspherical có đường cung thay đổi (phi cầu) để có thể tác động chính xác vào tia ánh sáng và chỉnh quang sai một cách tối ưu nhất. Thấu kính XA của Sony đưa kỹ thuật phi cầu này cao thêm một bậc với độ chính xác bề mặt đến 0.01 micron (tức 10 nanomet hay 0.00001 mm, để bạn hình dung thì 1 sợi tóc dầy khoản 70,000 nanomet.) Đây là một độ chính xác siêu cao ngay cả ở thời công nghệ nano hiện tại. Ba thấu kính XA này giúp Sony tạo ra lens 16-35 GM II với độ nét cực kỳ cao từ trung tâm đến 4 góc của ảnh.
Độ nét của ống kính có thể nói là điều mà phần lớn người chụp ảnh quan tâm hàng đầu, và đây là một trong những ống kính siêu rộng nét nhất và có khả năng là ống kính nét nhất từ trung tâm đến 4 góc mà bạn có thể mua được từ bất cứ thương hiệu nào.
VIGNETTING – ĐỘ TỐI GÓC
Độ tối góc của ống kính hiện ra nhiều nhất là ở khẩu lớn nhất (f2.8 cho ống kính này). Khi chụp phong cảnh ở thực tế, mình dùng f2.8 là khi chụp ảnh ban đêm như thể loại sao đêm – milkyway (dải ngân hà). Ban đêm trời tối đen chỉ có những ngôi sao lấp lánh hiện ra nên cũng khó phân biệt, phần lớn ánh sáng của vùng sáng hơn như chân trời bắt đầu có ánh sáng đầu tiên gây ảnh hưởng đến vùng góc nhiều hơn là tình trạng tối góc của ống kính. Sau nhiều ảnh chụp ở f2.8 vào ban đêm mình thấy vignetting dù có cũng không ảnh hưởng đến ảnh ở thực tế.
Cho các ảnh phong cảnh bình minh hoàng hôn hay ban ngày, f11 luôn là khẩu độ mặc định của mivì khẩu độ này ở tiêu cự 24mm trở xuống 16mm (hoặc rộng hơn) cho trường ảnh (DOF) sâu, khi ứng dụng với cách lấy nét tối ưu sẽ cho độ rõ nét từ điểm lấy nét ở tiền cảnh đến vô cực. Lúc chụp sunstar (tia xẹt mặt trời) thì mình dùng f16 để tạo ra tia bén và dài cho ống kính 16-35 này. Ở f11 và f16 thì hiệu ứng vignetting rất ít, nên ở các ảnh chụp thực tế trong bài, mình hoàn toàn không thấy sự khác biệt nào. Nên dù chụp ban đêm hay ban ngày thì vignetting không là vấn đề với ống kính 16-35 f2.8 GM II này.
Trong ảnh cover bạn có thể thấy vùng mây trên trái và phải không bị tối, vùng tuyết bên dưới góc trái và phải cũng có độ sáng đều và bình thường so với vùng tuyết ở giữa.
CA – VIỀN TÍM VIỀN XANH
CA hay Chromatic Aberration là một loại quang sai khi các màu sắc không trùng khớp với nhau, làm chi tiết ở cạnh biên (hiện rõ nhất ở nơi ngược sáng) có viền màu thường là tím và/hoặc xanh. Lỗi này liên quan đến sự khúc xạ của thấu kính với những bước sóng ánh sáng khác nhau. Các nhà thiết kế ống kính ở thời hiện đại khắc phục lỗi này bằng cách dùng thấu kính ED và Super ED (ED=Extra-low Dispersion) có độ tán xạ cực thấp và siêu cực thấp.
SONY 16-35 F2.8 GM II KHÔNG THẤY VIỀN TÍM XANH
Với ống kính mới này, Sony đã ứng dụng 1 thấu kính Super ED và 2 thấu kính ED để khắc phục CA. Kết quả là trong hơn 800 ảnh mình đã chụp trong suốt 2 tháng không thấy ảnh nào bị viền tím viền xanh. Khi một ống kính không bị CA thì chi tiết ảnh củng được cải thiện trong trẻo hơn và màu sắc trung thực hơn, làm cho cảm nhận độ nét thực tế càng cao hơn. Ở điểm này, Sony lại được thêm một thắng lợi về kỹ thuật.
AF SIÊU NHANH CHO CẢ TƯƠNG LAI
Ống kính Sony 16-35 f2.8 GM II có hệ thống 4 XD linear motor giúp lấy nét cực im lặng và siêu nhanh đáp ứng đủ cho 30fps liên tục hoặc hơn. Tuy không ứng dụng nhiều trong nhiếp ảnh phong cảnh ở những tiêu cự rộng, AF nhanh giúp việc duy trị độ nét khi quay video, và giúp chụp thể thao ở cự ly gần kết hợp với hiệu ứng góc rộng để tạo ra những góc ảnh độc đáo. so với Sony 16-35 f2.8 GM (đời đầu), chỉ có 2 motor thế hệ cũ và chậm hơn DDSSM, thì đây là một cải tiến đáng để đầu tư nếu bạn đang hay dự tính sẽ dùng để chụp thể loại cần tốc độ hay quay video.
KẾT LUẬN
Chụp ảnh sáng tác để cho ra ảnh nghệ thuật đối với người đam mê hay nhiếp ảnh gia (NAG) là một sự cố gắn lớn. Vì thế thiết bị dùng cho những chuyến đi sáng tác là cực kỳ quan trọng. Nếu chọn mang theo thiết bị không đủ chất lượng thì phần kỹ thuật của ảnh sẽ kém, tạo ra sự nuối tiếc đáng ra đã có thể khác phục ngay từ đâu.
Đây không phải là tình huống giả thuyết mà nó đã từng xảy ra với mình lúc còn chưa đủ kiến thức hay kinh nghiệm. Có những ảnh có khoảnh khắc rất đẹp mà mình phải bỏ đi vì độ nét góc bị mờ; có những ảnh sunstar (tia xẹt mặt trời) không được chọn vì flare quá nhiều quá khó xử lý làm hỏng bức ảnh; có ảnh độ méo quá nhiều làm những đường thẵng dài trong ảnh nhìn rất khó chịu ngay cả sau khi chỉnh lại vẫn không tự nhiên và làm pixel vỡ đi không còn sắc nét ban đầu nữa. Đây là cơn ác mộng cho người chụp ảnh khi chi cả trăm triêu cho chuyến đi ở những vùng đất đắt đỏ như Lofoten Nauy.
Sau 2 tháng 2 chuyến đi Lofoten Nauy và Hokkaido Nhật bản và hơn 800 bức ảnh, mình nhận thấy đây là một ống kính siêu rộng thuộc hàng bậc nhất hiện nay. Trong những ống kính dùng được filter size 100 thì đây là một ống kính zoom siêu rộng tốt nhất trên thị trường ở thời điểm hiện tại. Sau đây là những điều mình thích nhất sắp xếp theo thứ tự quan trọng và vài điều mình không thích về ống kính này.
THÍCH
-
Nhỏ và nhẹ hơn đáng kể so với phiên bản Sony 16-35 f2.8 GM trước
-
Khả năng chống flare xuất sắc chỉ xếp hạng sau đàn anh Sony 12-24 f2.8 GM.
-
Sunstar tuyệt đẹp với 22 cánh dài rõ và khá sạch với chỉ vài đốm flare có thể loai bỏ ở hậu kỳ dể dàng.
-
Ống kính có độ méo dưới trung bình so với các lens cùng loại trên thị trường nên thường không cần phải xử lý.
-
Không thấy bị viền tím viền xanh.
-
Độ nét xuất sắc từ trung tâm ra đến góc, tuy ở góc không xuất sắc như ở trung tâm ảnh.
-
Khẩu rộng f2.8 tiện dụng cho sao đêm với góc rộng 16mm hữu ích khi dãi ngân hà ở vị trí dựng đứng.
-
Dùng được hệ filter size 100mm nhỏ gọn
-
AF siêu nhanh hổ trợ đến 30 fps.
KHÔNG THÍCH
Flare còn vài đốm nhỏ khi chụp sunstar (tia xẹt mặt trời) nếu được loại bỏ hoàn toàn như Sony 12-24 f2.8 GM thi thật là tuyệt, tuy nhiên vài đốm nhỏ có thể dể dàng lấy ra trong hậu kỳ. Ngoài ra có lẽ là ống kính có giá cao, tiền nào của đó, chất lượng xuất sắc của Sony 6-35 f2.8 GM II này cũng xứng tầm.